Bắc Hàn bị hạn hán tồi tệ, cần 'cứu trợ khẩn cấp'

Farmers in North Korea, 2019

Nguồn hình ảnh, WFP

Chụp lại hình ảnh, Người dân Bắc Hàn được yêu cầu phải 'bảo vệ đồng ruộng'

Bắc Hàn nói nước này đang trải qua chịu trận hạn hán tồi tệ nhất kể từ 37 năm qua, và kêu gọi người dân "chiến đấu" trong tình trạng mùa màng thất bát.

Liên Hiệp Quốc nói có tới 10 triệu người Bắc Hàn đang "khẩn cấp cần được trợ giúp lương thực".

Trong năm nay, người dân Bắc Hàn đã phải sống lay lắt với khẩu phần chỉ 300g lương thực mỗi ngày, bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói.

Hồi thập niên 1990, nạn đói khủng khiếp được cho là đã khiến hàng trăm ngàn người Bắc Hàn thiệt mạng.

Hiện không có chỉ dấu nào cho thấy trận hạn hán lần này sẽ tồi tệ như hồi đó, nhưng nó lại xảy ra sau khi có những cảnh báo về mùa màng thu hoạch không tốt trên cả nước.

"Hiện vẫn chưa rõ là tình hình tồi tệ tới mức nào, bởi với bất kỳ chuyện gì có liên quan tới Bắc Hàn thì các dữ liệu đưa ra đều không minh bạch," Oliver Hotham từ NK News, một tổ chức độc lập chuyên phân tích thông tin về Bắc Hàn, nói với BBC.

Nhưng, ông nói, nếu như các dữ liệu chính thức là chính xác, thì nghiên cứu của họ cho thấy Bắc Hàn sẽ cần nhập khẩu tới 1,5 triệu tấn lương thực để bù đắp cho phần sản lượng bị thiếu hụt.

Trận hạn hán tồi tệ tới mức nào?

Kênh truyền thông chính thức của nhà nước Bắc Hàn, KCNA, nói rằng trên cả nước trong năm tháng đầu năm có lượng mưa 54,4mm. Hãng này nói đây là lượng mưa thấp nhất kể từ 1982 tới nay.

Tờ báo hàng đầu nước này, Rodong Sinmun nói thêm rằng "nước hiện nay là thứ cần hơn bao giờ hết" và đất nước đang trong một "cuộc chiến dữ dội" để ngăn chặn thiệt hại do hạn hán gây ra.

"Người lao động trong ngành nông nghiệp phải... quyết liệt bảo vệ ruộng đồng khỏi thiệt hại do hạn hán," báo này viết.

Hồi tháng trước, Chương trình Lương thực (WFP) và Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên Hiệp Quốc nói trong một bản phúc trình chung rằng sản lượng thu hoạch vụ mùa 2018 của Bắc Hàn rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2008.

People work in bare fields in North Korea

Nguồn hình ảnh, WFP

Chụp lại hình ảnh, Truyền thông nhà nước Bắc Hàn nói nước này đang trong 'trận chiến quyết liệt' nhằm ngăn ngừa tổn hại do nạn hạn hán gây ra

Bản phúc trình ước tính là có 10 triệu người, chiếm 40% dân số cả nước, đang khẩn cấp cần cứu trợ lương thực.

Bản phúc trình nói thêm rằng "tình hình có thể còn tồi tệ thêm trong mùa khô, từ tháng Năm đến tháng Chín" nếu như không có hành động đối phó phù hợp.

Các lệnh trừng phạt đóng vai trò gì?

Lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn đã được tăng cường kể từ 2006, nhằm chặt đứt các nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Lệnh trừng phạt khiến hoạt động xuất khẩu của nước này bị giảm mạnh, và hiện không rõ Bắc Hàn có bao nhiêu ngoại tệ để mua lương thực nhập khẩu.

Cũng không rõ là các lệnh trừng phạt thực sự có tác động tới đâu, nhưng đó là cách đưa tin mà truyền thông nhà nước Bắc Hàn ưa dùng.

"[Bắc Hàn] muốn tạo cảm giác rằng các lệnh trừng phạt thì tương đương với việc gây ra nạn đói, cho nên Mỹ cần phải nương tay, từ bỏ việc đó," Benjamin Silberstein, đồng chủ bút tờ Theo dõi Kinh tế Bắc Hàn (North Korea Economy Watch) và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao nói với Reuters.

Các lệnh trừng phạt không cấm viện trợ nhân đạo, và thậm chí ngăn cản việc Bắc Hàn xuất khẩu các loại lương thực có thể dùng cho dân chúng.

Nhưng chỉ có một số ít các nhóm được chuẩn thuận là có thể đem hàng viện trợ tới Bắc Hàn, và các tường thuật nói rằng những nhóm làm việc bên trong nước này đang phải đối diện với môi trường làm việc ngày càng khó khăn hơn.

Hồi 2017, tổ chức NGO Save the Children đã rời khỏi Bắc Hàn. Họ nói các lệnh trừng phạt khiến hoạt động của họ trở nên quá khó khăn.

Bắc Hàn từng bị hạn hán?

Hồi 2017, Bắc Hàn bị một trận hạn hán nghiêm trọng, khiến sản lượng lương thực căn bản bị giảm nghiêm trọng, cả gạo, ngô, khoai tây lẫn đậu nành.

Không rõ chính xác là điều này có tác động tới đâu, nhưng các tường thuật nói rằng rất nhiều người đang phải đối diện với tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong.

"Bắc Hàn rất dễ bị tổn thương do các kiểu thiên tai này, do mức độ lạc hậu trong rất nhiều công nghệ làm nông của họ, và do các vấn đề đang tồn đọng trong hệ thống y tế công và lương thực của nước này," ông Hotham nói.

Hồi thập niên 1990, hàng trăm ngàn người Bắc Hàn được cho là đã thiệt mạng trong nạn đói nghiêm trọng.

Children in North Korea, 2019

Nguồn hình ảnh, WFP

Chụp lại hình ảnh, Trẻ em nằm trong các nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi nạn đói ở Bắc Hàn

Nạn đói này đã buộc Bắc Hàn phải lần đầu tiên tìm đến sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế.

Quan hệ Mỹ-Triều hiện thế nào?

Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau khi cuộc họp tại Hà Nội giữa lãnh đạo hai nước hồi tháng Hai kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào.

Tại kỳ họp thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump, Mỹ muốn Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân, trong lúc Bình Nhưỡng đòi nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Hồi tuần trước, Hoa Kỳ lần đầu tiên bắt giữ một tàu hàng của Bắc Hàn và nói tàu này vi phạm lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng đòi phải trả tàu ngay lập tức.

Bắc Hàn trong những tuần qua cũng đã nối lại việc thử vũ khí, hành động được cho là nhằm tăng áp lực lên Hoa Kỳ