Joseph Stalin: Tại sao nhiều người Nga vẫn thích nhà độc tài thời Liên Xô?

Đài tưởng niệm Stalin tại Quảng trường Đỏ ở Moscow là nơi thiêng liêng với nhiều người Nga

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Đài tưởng niệm Stalin tại Quảng trường Đỏ ở Moscow là nơi thiêng liêng với nhiều người Nga

Hôm 09/03/2022, sử gia Anh Simon Sebag-Montefiore có bài trên trang New Statesman, viết về chuyện TT Nga Vladimir Putin muốn làm theo Joseph Stalin khi đánh Ukraine tháng trước.

"Nhà lãnh đạo Nga vun đắp nạn sùng bái cá nhân, nỗi sợ và sự kiểm soát từ thời Stalin. Xâm lăng Ukraine, ông ta đặt cược rất lớn vào mục tiêu muốn có chỗ đứng trong lịch sử."

Trước đó BBC đăng bài hồi năm 2019 về hiện tượng sùng bái Stalin ở nước Nga:

Nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin đã từng khủng bố người dân của mình, nhưng lần đầu tiên một cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người Nga nhìn nhận tích cực về ông.

Trung tâm Levada rất có uy tín đã tiến hành thăm dò người dân Nga từ 18 tuổi trở lên tại 137 thị trấn và thành phố vào hồi tháng Ba. Kết quả là 51% tôn trọng, thích hoặc ngưỡng mộ Stalin.

Thời thập niên 1930, chế độ cộng sản của Stalin áp dụng chính sách khủng bố trên toàn Liên bang Xô Viết. Hàng triệu người bị đưa đi các trại cải tạo, hoặc bị xử bắn.

Nhưng chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã là nguồn tự hào dân tộc.

Cuộc thăm dò của Levada (bằng tiếng Nga) cho kết quả xếp hạng cao nhất đối với Stalin tính trong thời gian 20 năm qua, là giai đoạn mà hình ảnh của ông thường xuyên xuất hiện trên khắp nước Nga, mà thường là với chấp thuận của giới chức.

Những bức tượng Stalin mới được dựng lên ở rất nhiều nơi.

Một tờ báo Nga chạy dòng tin với tiêu đề: "Siêu sao Stalin".

Bạn có thể mua lịch treo tường, các tấm dán magnet kỷ niệm có in hình Stalin và đồ lưu niệm về vị tướng này tại các cửa hàng ở Nga, phóng viên Steve Rosenberg của BBC từ Moscow tường thuật.

Công viên tượng đài Fallen tại Moscow

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các di tích thời kỳ Xô Viết được lưu trong Công viên tượng đài Fallen tại Moscow

Tại sao lại có tình yêu với nhà lãnh đạo từng gây quá nhiều đau khổ này?

Nhà khoa học chính trị Yekaterina Shulman nhấn mạnh ba yếu tố quan trọng trong xã hội Nga:

  • Thời gian trôi qua: "Các sự kiện càng ngày càng được lội về quá khứ xa hơn," bà nói với BBC tiếng Nga.
  • Tuyên truyền của nhà nước: Bà Shulman nói "chúng ta đừng nhắm mắt làm ngơ trước sự thật là Stalin đang được tuyên truyền là người chiến thắng trong chiến tranh và là nhà lãnh đạo tài ba. Về căn bản mà nói thì thời kỳ Xô Viết đang được tuyên truyền là giai đoạn hào hùng nhất".
  • Cảm xúc chống lại giới tinh hoa: "Đây là phần thú vị nhất," bà Shulman nói. "Hình tượng Stalin không phải là con người thực, nhưng những gì còn đọng lại trong ký ức dân gian là - ông được xem là biểu tượng của kỷ luật sắt, cương quyết chống nạn cửa quyền quan tham, dám đương đầu với bất kỳ thế lực nào."
Stalin (hàng đầu bên phải)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Stalin (hàng đầu bên phải) tiếp đón các nhà lãnh đạo trong chiến tranh Churchill và Roosevelt tại Yalta vào đầu năm 1945

Thái độ của người Nga đối với Stalin đã thay đổi qua nhiều thập niên.

Trong cuộc đời của mình, ông được hàng triệu người dân Liên Xô tôn sùng, trong khi tuyên truyền của nhà nước Xô Viết coi bất kỳ người bất đồng chính kiến nào cũng là "gián điệp ngoại bang" và "âm mưu lật đổ".

Năm 1956, cái chết của Stalin khởi đầu một thời khắc mới: nhà lãnh đạo Cộng sản Nikita Khrushchev tố cáo sự sùng bái cá nhân và độc tài của Stalin trong một bài diễn văn bí mật tại Đại hội Đảng lần thứ 20.

Điều đó dẫn đến sự tan băng tạm thời về đàn áp chính trị, và hàng nghìn tù nhân được giải thoát khỏi các trại cải tạo của Stalin.

Tuy nhiên, trong những thập niên tiếp theo, chính quyền Xô Viết đã che đậy quy mô thực sự về tội ác của Stalin.

Nhà bất đồng chính kiến Alexander Solzhenitsyn ghi lại chế độ hà khắc trong các trại tù Gulag của Stalin, và ông đã bị khủng bố vì điều này.

Tổng thống Putin thường xuyên nhắc nhở người Nga về chủ nghĩa anh hùng thời chiến của quốc gia

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Putin thường xuyên nhắc nhở người Nga về chủ nghĩa anh hùng thời chiến của đất nước

'Anh hùng' Stalin hồi sinh

Nhiều người Nga bị sốc khi biết sự thật vào cuối những năm 1980, khi nhà cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vén bức màn về chủ nghĩa Stalin (Stalinism), với chính sách "cởi mở" của ông.

Sự thái quá của chủ nghĩa Stalin đã để lại những vết sẹo hằn sâu trên khắp Đông Âu, nơi mà nhiều người vẫn chửi rủa ông vì sự tàn bạo và không khoan dung dười thời cộng sản.

Theo nghiên cứu của Levada, vào đầu những năm 2000 quan điểm của người Nga gần như cân bằng giữa những người ủng hộ và chống Stalin.

Trong giai đoạn 2008-2014, hầu hết người được hỏi có thái độ trung lập về Stalin.

Nhưng từ năm 2015, với mọi lứa tuổi, tỷ lệ người có quan điểm yêu thích Stalin tăng đều đặn.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Từ năm 2015, với mọi lứa tuổi, tỷ lệ người có quan điểm yêu thích Stalin tăng đều đặn, theo nghiên cứu của Levada

Nhà xã hội học của Levada, Karina Pipiya, nói với BBC tiếng Nga: "Nỗi nhớ thời kỳ Xô Viết và nhà lãnh đạo Stalin ngày càng tăng. Stalin được xem như nhân vật chính đánh bại chủ nghĩa phát xít, người được vinh danh chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Và chiến thắng đó là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc của tất cả người Nga, ngay cả với những người sinh ra trong thời kỳ hậu Xô Viết."

Quan điểm tích cực đó được thúc đẩy bởi sự thất vọng hiện tại về chính sách xã hội và khó khăn kinh tế, bà nói. Cải cách hệ thống hưu trí vấp phải nhiều sự phản đối và "nhiều người cảm thấy nhà nước đang bỏ bê trách nhiệm xã hội".

Sự ủng hộ Stalin gia tăng mạnh mẽ nhất trong giới trẻ nhất - những người có độ tuổi từ 18 đến 30, bà lưu ý.

"Nhận thức của họ về Stalin dựa trên huyền thoại, được nuôi dưỡng bởi thế hệ già," bà nói.