George H. W. Bush bộc lộ đánh giá về Việt Nam qua nhật ký

George Herbert Walker Bush cùng vợ, Barbara, tại Bắc Kinh năm 1974

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, George Herbert Walker Bush cùng vợ, Barbara, tại Bắc Kinh năm 1974

George H. W. Bush (1924-2018), từng là tổng thống Mỹ từ 1989 đến 1993, nhắc nhiều đến tình hình Việt Nam trong nhật ký ông viết giai đoạn 1974-75.

Đó là thời điểm khi ông Bush là trưởng văn phòng liên lạc Mỹ ở Bắc Kinh. Thực tế có thể gọi ông là đại sứ phi chính thức của Washington, trước khi Trung Quốc và Mỹ nối lại quan hệ bình thường vào năm 1979.

Ghi lại từ tháng 10/1974 đến 12/1975, ông Bush bộc lộ quan điểm cá nhân về chiến tranh Việt Nam, quan hệ Mỹ - Trung, Watergate và nhiều vấn đề khác.

Năm 2007, ông Bush cho phép công bố nhật ký trong ấn bản phát hành chính thức.

Trong thực tế, ông Bush không viết mà đọc vào băng ghi âm, thường vào cuối ngày. Đến nhiều năm sau, các trợ lý mới nghe và ghi lại.

Theo lời người biên tập, các băng ghi âm ban đầu đã bị mất, chỉ còn lại các bản ghi của thư ký.

Xin trích giới thiệu một số đoạn về Việt Nam trong nhật ký của George H. W. Bush.

16/2/1975

Tôi nghĩ về Campuchia, và nghĩ về Việt Nam, và tôi nghĩ sẽ có ý nghĩa gì cho chính phủ Trung Quốc và các nước khi họ thấy chúng ta không thể thi hành các cam kết. Tôi lo về Campuchia và Việt Nam, và nghĩ rằng người dân Mỹ không còn quan tâm họ nữa. Nhưng đó không phải là chuyện chính. Chuyện chính là nếu chúng ta đã cam kết, thì cần giữ lời. Chúng ta cần ngay thẳng để chúng ta có thể có niềm tin. Tôi hy vọng người Trung Quốc tiếp tục tin tưởng Mỹ. Quan trọng cho mối quan hệ hai nước, khi họ tin điều ta nói và rằng chúng ta chân thực, cởi mở, thành thật với họ.

Ông Bush tháp tùng tổng thống Gerald Ford gặp phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh tháng 12/1975

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Bush tháp tùng tổng thống Gerald Ford gặp phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh tháng 12/1975

17/3/1975

Khi Campuchia yếu đi, khi Bắc Việt Nam giành tiến bộ, nhiều đồng minh chúng ta sẽ buộc hướng tới Trung Quốc. Lý thuyết domino vẫn còn sống, dù một số người ở nước chúng ta có muốn thừa nhận hay không…

…Tôi cảm thấy sức ép ở đây vì Campuchia và Việt Nam. Chính nghĩa của chúng ta là đúng, nhưng ngay cả các đồng minh có vẻ xấu hổ về quan điểm của chúng ta…

3/4/1975

Mọi người có vẻ nhìn tôi với sự buồn rầu thay vì giận dữ vì Việt Nam. Và tôi giận dữ một chút, về những cam kết, cần bảo đảm một chút tự quyết, và tự hỏi liệu bầu cử tự do có tới không sau khi những người này bị lật đổ. Thật kỳ lạ khi một số đại sứ không hề quan tâm. Họ muốn hòa bình, hòa hợp, và có lẽ họ cũng có lý phần nào.

11/4/1975

Chúng tôi nghe diễn văn của tổng thống, và tôi tự hỏi nó sẽ được đón nhận ra sao. Ông yêu cầu 722 triệu đôla viện trợ…Thời gian sẽ cho hay nhưng tôi dự đoán Quốc hội sẽ không đồng ý viện trợ quân sự.

Tổng thống George H. W. Bush năm 1991

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống George H. W. Bush năm 1991

29/4/1975

Hôm nay chúng tôi nhận tin là toàn bộ Việt Nam đang di tản. Tại buổi tiếp tân của Nhật Bản cho sinh nhật Nhật hoàng, người ta bảo: "Mừng là chương này khép lại, chúng tôi mừng nó kết thúc."

30/4/1975

Đi dự lễ quốc khánh của Hà Lan, tại đó, tôi nghe - không phải qua điện tín bộ ngoại giao mà lại qua chuyện vãn ở buổi tiệc - rằng những quan chức ở Việt Nam đã đầu hàng…Các sứ quán Bắc Việt và Việt Cộng treo cờ, và dễ hiểu là họ ăn mừng…

4/5/1975

…Ăn mừng tiếp tục ở sứ quán Việt Nam và Việt Cộng - tiệc và hạnh phúc, dễ hiểu nhưng buồn…

6/5/1975

Rõ ràng Việt Nam làm chúng ta thiệt hại trong mắt Thế giới thứ Ba, trong mắt đa số nhà ngoại giao ở đây. Toàn hiểu lầm về việc tại sao chúng ta tham gia. Thật dễ dàng gọi chúng ta là bọn đế quốc khi chỉ có một nửa cuộc chiến được tường thuật. Tham nhũng và tàn nhẫn của chỉ một phía được tường thuật. Phe kia nhận được ý kiến bị bóp méo…

Vợ chồng tổng thống Bush, khi đã rời Nhà Trắng, thăm Việt Nam tháng 9/1995

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Vợ chồng tổng thống Bush, khi đã rời Nhà Trắng, thăm Việt Nam tháng 9/1995

15/5/1975

Tôi thấy lá cờ của Nam Việt Nam [Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam] và Bắc Việt Nam cùng treo ở sứ quán Bắc Việt Nam. Đó là dấu hiệu đầu tiên của thống nhất...

5/6/1975

Bắc Việt nói Hoa Kỳ, theo thỏa thuận hòa bình Paris, cần gửi tiền vào Bắc Việt để tái xây dựng đất nước. Đánh giá của tôi là chúng ta chả nên làm gì cả. Có lẽ nên trả lời khi có yêu cầu hợp lẽ cho trợ giúp nhân đạo, nhưng không được dính dáng tái thiết kinh tế cho đến khi ngôn từ ở Việt Nam lắng đi, và cơn đau tim ở Mỹ được làm lành một ít…

29/71975

Cả hai nước Việt Nam muốn vào Liên hiệp quốc. Trời ạ, tôi còn nhớ rõ họ từng chê trách Liên hiệp quốc và nói sẽ không bao giờ có hai Việt Nam…

3/8/1975

Thảo luận lớn về hai Việt Nam. Tôi vui mừng là chúng ta cương quyết đòi cho Nam Hàn vào trước khi chúng ta cho hai Việt Nam gia nhập.

12/8/1975

Hoa Kỳ phủ quyết đơn của hai nước Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc vì Hội đồng Bảo an từ chối xem xét Nam Hàn, mà rõ ràng là đủ điều kiện.