1995: Ngày ngoại trưởng Mỹ thăm Hà Nội, tái lập quan hệ

Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm tiễn chia tay ông Warren Christopher ngày 7/8/1995

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm tiễn chia tay ông Warren Christopher ngày 7/8/1995

Hồi ký của một số ngoại trưởng Mỹ có nhắc tới Việt Nam, giúp độc giả hiểu thêm phần nào suy nghĩ và cách làm việc của chính phủ Mỹ.

Warren Christopher, ngoại trưởng Mỹ từ 1993 đến 1997, chứng kiến lúc tổng thống Bill Clinton loan báo khôi phục quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 11/7/1995.

Trong hồi ký Chances of a Lifetime (2001), ông kể về chuyến thăm Hà Nội tháng 8/1995 để thông báo cho Việt Nam về quyết định của tổng thống.

Ngày đầu tiên

Tại buổi ăn trưa đón chào của ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, ông Warren Christopher kể:

"Tôi nói trước khi chúng ta bàn về bất kỳ chủ đề nào, tôi muốn ông ấy bảo đảm chắc chắn rằng chính phủ Việt Nam sẽ làm tất cả trong sức mình để giúp giải quyết các vụ Tù binh và Người Mỹ mất tích trong chiến tranh còn tồn đọng

Ông Cầm rõ ràng đoán trước thông điệp của tôi. Ông trả lời bằng việc kể lại các nỗ lực gần đây của Việt Nam giúp đỡ và cam kết hỗ trợ cho tới khi tìm ra và trả lại toàn bộ hài cốt.

Khi tôi nói tôi hài lòng vì phản ứng của ông, ông Cầm mô tả điều quan trọng nhất trong nghị trình của ông: một thỏa thuận thương mại giúp hàng hóa Việt Nam chịu thuế thấp khi vào Mỹ. Ông nói như thế ông cho rằng thỏa thuận đó có thể làm xong dễ dàng và nhanh chóng.

Trước mong đợi lạc quan của ông, tôi quyết định để Joan Spero, thứ trưởng phụ trách kinh tế, người đi cùng tôi, đến gặp người đồng cấp Việt Nam để giải thích việc thương lượng hiệp định thương mại có thể phức tạp ra sao."

Rốt cuộc hiệp định thương mại Việt - Mỹ đã được ký năm 2000.

Đến cuối ngày thăm đầu tiên, ngoại trưởng Mỹ tập hợp nhân viên lại để đánh giá công việc.

"Chúng tôi đồng ý rằng giới chức Việt Nam hiểu việc tiếp tục tìm kiếm thi hài những nhân viên của chúng tôi là rất quan trọng cho Hoa Kỳ. Chúng tôi kết luận đã phù hợp để tiếp tục đến các buổi lễ và thảo luận mà sẽ đánh dấu chương mới trong quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ."

Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher thăm Hà Nội năm 1995, mở đầu mối quan hệ ngoại giao tái lập

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher thăm Hà Nội năm 1995, mở đầu mối quan hệ ngoại giao tái lập

Ngày thứ hai

Đầu ngày thăm thứ hai, ngoại trưởng Mỹ dự lễ kéo cờ Mỹ trên tòa nhà mà sẽ là sứ quán Mỹ ở Hà Nội.

Ông Christopher nói khi nhìn lá cờ chầm chậm kéo lên, ông nhớ lại hình ảnh ngày 30/4/1975 khi đại sứ cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam Graham Martin vội vã đi lên chiếc trực thăng trên mái nhà sứ quán ở Sài Gòn, còn cờ Mỹ thì hạ xuống và gấp lại.

"Cảnh tượng ô nhục và thất bại đó được chiếu khắp thế giới, ghi vào tâm thức mọi người Mỹ trên 10 tuổi.

…Tôi bước lên bục để phát biểu, nhưng ký ức vẫn làm tôi rúng động…"

Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt bắt tay ngoại trưởng Mỹ ở Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt bắt tay ngoại trưởng Mỹ ở Hà Nội

Sau buổi lễ, ngoại trưởng Mỹ đến cuộc gặp với Tổng bí thư Đỗ Mười, và sau đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

"Mặc dù tôi biết những lãnh đạo kinh qua chinh chiến này sẽ không ngẫu hứng loan báo từ bỏ Chủ nghĩa cộng sản để theo dân chủ, tôi ngạc nhiên vì các trao đổi không có những đao to búa lớn về ý thức hệ.

Có vẻ họ chọn cách tránh, thậm chí không căng thẳng một cách hình thức, với hy vọng sớm đạt thỏa thuận về những vấn đề sẽ giúp đẩy nhanh hiện đại hóa kinh tế Việt Nam."

Nhiều người ở Hà Nội đón chào nhà ngoại giao Mỹ năm 1995

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhiều người ở Hà Nội đón chào nhà ngoại giao Mỹ năm 1995

Sau khi thăm Văn Miếu và các đền chùa, ngoại trưởng Mỹ đến Học viện Quan hệ Quốc tế phát biểu trước khoảng 200 sinh viên.

"Tôi nhấn mạnh phát triển kinh tế bền vững dễ xảy ra hơn ở những nơi mà tòa án bảo đảm chuẩn mực tố tụng, nơi báo chí tự do vạch trần tham ô, nơi doanh nhân có thể ra quyết định trong khi tự do tiếp cận thông tin - những điều kiện thiếu vắng ở Việt Nam.

Tôi không chắc về phản ứng trước thông điệp, nhưng thấy một số người gật đầu đồng ý khi tôi nói mỗi khán giả cần có quyền tự định đoạt số phận cá nhân cũng như số phận đất nước…Dù là vì lịch sự hay lợi ích kinh tế, phía Việt Nam đã cho phép tôi nói trọn bài phát biểu của mình."

Trong hai ngày ở Việt Nam, ông Christopher nói hình ảnh làm ông cảm động nhất là "cử chỉ kỳ lạ, ngọt ngào của một cảnh sát lớn tuổi đứng gác ngoài một ngôi đền".

"Khi chúng tôi ra khỏi đó, viên cảnh sát, mặc quân phục cũ, đứng thẳng người và chào Tướng Christman, người đi cạnh tôi. Vị tướng chào lại, còn viên cảnh sát giữ nguyên dáng đứng và chào khi chúng tôi bước vào xe.

Khi xe bắt đầu đi, người đàn ông già hơi nhướn người, tay phải vẫn để trên trán, đặt tay trái lên môi và hôn gió."

Đến tối, nhiệm vụ cuối cùng của ông ngoại trưởng là gọi điện cho bốn thành viên quốc hội Mỹ.

Ông nhớ nhất cuộc gọi cho Thượng nghị sĩ John McCain. Sau khi ngoại trưởng kể chuyện, đầu dây bên kia là sự im lặng kéo dài. Rồi giọng rõ ràng của ông McCain cất lên, với đúng ba chữ: "Đến lúc rồi."