Hiệu ứng Donald Trump: Công ty Trung Quốc ‘âm thầm chuyển sang Việt Nam’

Một cửa hàng đồ lót thương hiệu Mỹ Victoria's Secret tại Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một cửa hàng đồ lót thương hiệu Mỹ Victoria's Secret tại Trung Quốc

Dường như đang có hiện tượng nhiều công ty Trung Quốc âm thầm chuyển sang Việt Nam do dư chấn thương chiến với Mỹ.

Bài của South China Morning Post hôm 16/05 nhận định rằng mặc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc có thể mở một chiến dịch to tiếng vì cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ thì nhiều nhà sản xuất Trung Quốc muốn tránh sự tức giận đó từ trong nước và ở chính Việt Nam.

Các công ty có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra ngoài Trung Quốc để tránh thuế của Hoa Kỳ và những hãng muốn làm ăn với thị trường Mỹ đối diện việc "đi dây tinh tế", bài báo nhận định.

Một số hãng đối diện các khó khăn và chi phí cao hơn những hãng đã chuyển sang Việt Nam từ hai năm qua không muốn phát biểu công khai.

Có một số nguyên nhân như việc họ phải giải quyết khéo léo kế hoạch sa thải công nhân và bồi thường, chưa kể phản ứng từ các nhà cung cấp hay biến động về giá cả đối với các doanh nghiệp lưu hàng với số lượng lớn.

Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương phía Trung Quốc thậm chí không cho chủ hãng rời máy móc nhà xưởng đi chừng nào chi trả được tiền bồi thường và an sinh xã hội hay thuế thỏa đáng.

Tổng thống Donald Trump: "Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này!"

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Donald Trump: "Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này!"

Một số hãng hy vọng bằng việc kín tiếng sẽ thoát khỏi radar thương mại và tránh bị áp thuế quan thêm trong cuộc chiến hiện nay, đơn cử là mặt hàng giày vốn từng không nằm trong danh sách bị nhắm tới.

Một số hãng bán hàng mang nhãn hiệu nổi tiếng thế giới không muốn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này và không muốn đứng về phe nào trong tranh chấp.

Zhou Pingxu, một nhà sản xuất ở thành phố Đông Hoản, nêu ví dụ:

"Hiện nay, vẫn hiếm ai lại đóng cửa toàn bộ để chuyển cơ sở trong thời gian ngắn.

Thông thường họ mở một nhà máy mới ở Việt Nam hay Campuchia trước, rồi xoay chuyển nhân sự mềm mại ở nhà máy Đông Hoản.

Đơn vị còn ở lại Đông Hoản chỉ tập trung làm nghiên cứu và làm đơn hàng của các thị trường không phải là Mỹ."

Chuyển đi nay khó khăn hơn

Nhưng tình hình hiện nay, chính quyền địa phương ở Trung Quốc không thích thú gì nếu nhà sản xuất chuyển đi nước khác, do mất doanh thu thuế và việc làm địa phương.

Giá cả thuê mướn nhà xưởng tại các khu công nghiệp một số nơi ở Việt Nam cũng tăng do nhu cầu ngày càng nhiều.

Đó là chưa kể nhà chức trách Việt Nam nay đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn cho các nhà máy Trung Quốc chuyển cơ sở sang đây.

Thuế đánh vào máy móc vận tải, thiết bị, bán thành phẩm và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đều tăng giá, theo một nhà sản xuất từ Đông Hoản nói với báo này.

Ngoài ra, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng nhận thấy một thực tế là họ cần tránh nói ra việc chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam vì sợ xã hội Việt Nam chống đối nhà sản xuất Trung Quốc chuyển sang nước mình.